Hiển thị các bài đăng có nhãn chia-se. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chia-se. Hiển thị tất cả bài đăng

Bạn Là Người Đơn Nhiệm Hay Đa Nhiệm?


Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt

Đa nhiệm:

Đa số phụ nữ là những người đa nhiệm. Họ là những người có thể làm nhiều công việc tại cùng một thời điểm. Họ có thể vừa lau nhà, vừa nghe điện thoại và cùng lúc kiêm luôn việc trông con. 
Ưu điểm của những người đa nhiệm là có thể phân thân ra làm nhiều việc cùng lúc và đề kháng tốt với những sao nhãng của môi trường xung quanh. Ngược lại, hiệu xuất của họ thường không được cao.

Đơn nhiệm:

Người đơn nhiệm là người rất khó để thực hiện nhiều hơn hai công việc hay tác vụ cùng lúc. 
Ưu điểm của những người đơn nhiệm là họ có hiệu suất làm việc cao. Nhưng ngược lại, nhược điểm thì cũng cực kỳ tệ. Nếu họ bị làm phiền, hoặc cùng lúc phải thực hiện nhiều hơn một công việc, họ sẽ làm cực kì chậm, hoặc tệ hơn là làm hỏng hết mọi thứ. 
Con trai thường là những người đơn nhiệm.


Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Đa nhiệm:

Đa số phụ nữ là những người đa nhiệm. Lịch sử tiến hóa của chúng ta đã tạo nên điều này. Ngược dòng thời gian trở về thời kì mà ông bà ta còn ăn lông ở lỗ, phụ nữ là người chịu trách nhiệm hái lượm. Công việc này khá nhàn nhã và an toàn. Họ có thể vừa hái quả, vừa thảnh thơi bàn tán về mấy anh dai vạm vỡ. Chính vì vậy, để tối ưu năng xuất, những phụ nữ đã tiến hóa để có thể làm nhiều việc cùng một lúc. Vừa hái quả vừa cho con bú chẳng hạn. Đặc thù công việc đã biến phụ nữ trở thành những người đa nhiệm. 
Họ là những người có thể làm nhiều công việc tại cùng một thời điểm. Họ có thể vừa lau nhà, vừa nghe điện thoại và cùng lúc kiêm luôn việc trông con. 

Ưu điểm của những người đa nhiệm là có thể phân thân ra làm nhiều việc cùng lúc và đề kháng tốt với những sao nhãng của môi trường xung quanh. Ngược lại, hiệu xuất của họ thường không được cao. Ngoài ra, khi phải đối mặt với những công việc đòi hỏi sự tập trung cao và tính tỉ mỉ, những người đa nhiệm thường không đạt được kết quả tốt.  Tuy nhiên, đàn ông cũng có thể là một người đa nhiệm. 

Đơn nhiệm:

Người đơn nhiệm là người rất khó để thực hiện nhiều hơn hai công việc hay tác vụ cùng lúc. Thông thường một người đơn nhiệm chỉ có thể làm tốt, nếu họ chỉ làm duy nhất một công việc tại một thời điểm. 
Ưu điểm của những người đơn nhiệm là họ có hiệu suất làm việc cao. Nhưng ngược lại, nhược điểm thì cũng cực kỳ tệ. Nếu họ bị làm phiền, hoặc cùng lúc phải thực hiện nhiều hơn một công việc, họ sẽ làm cực kì chậm, hoặc tệ hơn là làm hỏng hết mọi thứ. 

Con trai thường là những người đơn nhiệm. Điều này là kết quả của quá trình tiến hóa. Quay lại thời đồ đá, khi những ông anh tối cổ vẫn vác giáo đi săn hươu nai, còn mấy em hổ răng kiếm thì săn mấy ổng. Công việc này khá là nguy hiểm, nó không an toàn như việc bắt lũ gà vịt ở trong chuồng. Chỉ cần lơ là một chút thì từ vị trí người đi săn, họ có thể nhanh chóng biến thành con mồi. Vì thế mà những ông anh tối cổ phát triển khả năng tập trung cao độ cho công việc. Cứ như thế, sau hàng triệu năm tiến hóa, nam giới dần trở thành những người đơn nhiệm. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có thể là một người đơn nhiệm.
_________________________________

Bạn đã biết mình là người đơn nhiệm hay đa nhiệm chưa? Hãy thử đeo cả hai tai nghe và nghe lại. Nếu bạn cảm thấy khó nghe, hoặc không thể nghe được thì bạn là một người đơn nhiệm. Còn nếu, bạn có thể nghe hiểu cùng lúc cả hai nội dung thì bạn là một người đa nhiệm. Nhưng kết quả này cũng chỉ là tương đối thôi! Bởi đơn nhiệm và đa nhiệm là kĩ năng có thể luyện tập được. 

Lưu ý: Đây là video 2 nội dung. Nếu không mang theo tai nghe thì hãy bỏ qua nó. 
Tháo một bên tai nghe ra và bắt đầu nào! 


Phần 3: Ứng Dụng: 

Khi bạn đã biết được bản thân là người đơn nhiệm hay đa nhiệm, bạn sẽ biết bản thân thích hợp hơn với loại công việc nào. Điều này cải thiện đáng kể hiệu xuất của bạn. 
Ngược lại, nếu bạn đang phải làm việc trong môi trường trái ngược với tính đơn nhiệm hay đa nhiệm của bản thân, bạn phải chịu khó khắc phục nó thôi. Tuy nhiên, do đơn nhiệm và đa nhiệm là những kĩ năng có thể học hỏi được, vì thế cũng đừng lo lắng. Bạn sẽ sớm phù hợp với công việc thôi. 

Nghe trên Spotify:


Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Cái Gì Nhiều Quá Cũng Không Tốt - Hiệu Ứng Quá Giới Hạn.

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt

Hiệu ứng quá giới hạn là, khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh, và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng. 


Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Tác gia nổi tiếng của Mỹ - Mark Twain có một lần nghe mục sư giảng trong nhà thờ. Lúc đầu ông cảm thấy mục sư giảng rất hay, rất cảm động và ông đang dự định sẽ quyên góp tiền. Nhưng qua 10 phút mục sư vẫn chưa giảng xong, ông bắt đầu có chút mất kiên nhẫn, nên quyết định sẽ quyên một ít tiền lẻ thôi. Qua thêm 10 phút nữa mục sư vẫn tiếp tục giảng, thế là ông nghĩ không quyên góp nữa. 

Hiện tượng tâm lý này được gọi là hiệu ứng quá giới hạn. Nghĩa là, khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh, và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng. 

Xem trên Youtube: 

Phần 3: Ứng Dụng: 

Hiệu ứng này thường xảy ra trong việc giáo dục gia đình. Ví dụ như khi đứa con phạm lỗi, bố mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó, sẽ khiến đứa con từ buồn bã chuyển sang mất kiên nhẫn, thậm chí chán ghét. Một khi bị bức quá thì sẽ xuất hiện tâm lý phản kháng và cố tình lặp lại lỗi ở lần sau. 

Tương tự thế, trong chuyện tình cảm, giận dỗi một chút có thể là cách nêm nếm gia vị. Nhưng nếu lạm dụng, nó sẽ sớm khiến hai người chia tay. 

Nghe trên Spotify:  


Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Làm Sao Để Thuyết Phục Người Khác? Kỹ Thuật Foot In The Door.

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt 

Nếu muốn thuyết phục ai đó hãy bắt đầu với một đề nghị nhỏ dễ thực hiện sau đó mới đưa ra đề nghị lớn hơn. Đối tượng sau khi đã chấp thuận đề nghị nhỏ sẽ buông lỏng phòng ngự và dễ dàng chấp thuận đề nghị lớn.


Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Nghiên cứu của Freedman và Fraser.

Năm 1966, Freedman và Fraser đã hỏi nhiều chủ cửa hàng rằng, họ có thể đặt một chiếc bảng với nội dung: “Lái xe an toàn” ở sân trước được hay không? 
Hầu hết người được hỏi đã từ chối. 80% chủ cửa hàng cho rằng, cái bảng quá to và xấu xí. Họ không thể nào đặt một thứ như thế ở sân nhà mình được. 

Trong khi đó, bằng một cách tiếp cận khác, kết quả lại rất khả quan. 
Thay vì trực tiếp yêu cầu đặt một tấm bảng to ở sân, Freedman và Fraser lại đề nghị được đặt một chiếc bảng bé xíu trong cửa hàng. Hầu hết mọi người đều đồng ý với yêu cầu đơn giản này. Vài tuần sau, 2 người quay trở lại và lấn lướt hơn bằng việc đưa ra yêu cầu thay tấm bảng bé bằng tấm bảng lớn. Điều bất ngờ là, gần như toàn bộ chủ cửa hàng đã đồng ý. Mặc dù tấm bảng mới to bè và xấu xí hơn rất nhiều. 

Kết quả thí nghiệm nổi tiếng này đặt ra một nghi vấn. Liệu rằng việc đưa ra một đề nghị lớn (đề nghị thực sự) theo sau một đề nghị nhỏ dễ thực hiện có làm tăng xác xuất thành công của lời đề nghị lớn?

Kỹ thuật Foot in the door:

Tò mò với nghi vấn của Freedman và Fraser, đã có rất nhiều nghiên cứu và thí nghiệm thực hiện để kiểm chứng. Và tất cả đều đưa ra chung một kết luận: 
Nếu muốn thuyết phục ai đó hãy bắt đầu với một đề nghị nhỏ dễ thực hiện sau đó mới đưa ra đề nghị lớn hơn. Đối tượng sau khi đã chấp thuận đề nghị nhỏ sẽ buông lỏng phòng ngự và dễ dàng chấp thuận đề nghị lớn.

Nguyên tắc hoạt động. 

+ Khi đối mặt với lời đề nghị nhỏ, dễ thực hiện chúng ta thường có xu hướng chấp nhận nó. Lý do là vì, điều này dễ dàng hơn việc từ chối và mạo hiểm với nguy cơ đối đầu từ phía người còn lại.

Vd: Có một bà lão hỏi bạn lối ra quầy thanh toán. Bạn có giúp bà ấy không? Đương nhiên câu trả lời là có. Vì đây là một yêu cầu nhỏ và dễ thực hiện. Nhưng hơn thế, bạn đồng ý vì bạn lo sợ, nếu mình không chịu giúp đỡ, bà ấy sẽ nghĩ không hay về mình, hoặc những người khác sẽ chỉ trỏ bàn tán. Chúng ta không chỉ đồng ý vì nó dễ mà còn đồng ý vì sợ những nguy cơ xấu có thể xảy ra.  

+ Sau khi đồng ý lời đề nghị nhỏ, bộ não tin rằng, bản thân đang thực hiện một hành vi tốt. Không may, suy nghĩ này khiến chúng ta khó xử khi đề nghị lớn xuất hiện. Lúc này bản thân có 2 lựa chọn: 
    - Một là từ chối và thừa nhận bản thân không hề tích cực như những gì vừa nghĩ. 
    - Hai là đồng ý với yêu cầu lớn để củng cố niềm tin rằng bản thân là một người tốt. 

Quay trở lại với bà lão kia. Sau khi chỉ lối đi, chúng ta tự nhận thức bản thân đã làm một việc tốt, rằng mình là đứa biết kính già yêu trẻ. Khi này bà lão lại nhờ bạn đẩy dùm đồ đến quầy thanh toán. Lúc này, bạn rơi vào tình huống khó sử. Nếu từ chối, việc giúp đỡ ban đầu trở nên vô nghĩa. Bạn cũng tự thấy bản thân không hề tốt như những gì vừa nghĩ. Còn nếu bạn muốn củng cố niềm tin rằng mình là người tốt, sẵn sàng giúp đỡ người già yếu, bạn phải đồng ý. 

Đây chính là lý do kỹ thuật này có tên: Foot in the door hay kẹt chân trong cửa. Bạn bị kẹt chân lại sau khi đồng ý lời đề nghị nhỏ. Hoặc là đồng ý giúp đỡ tiếp, hoặc là chịu đau để kéo chân ra.

Tình huống thực tế. 

+ Hãy cẩn thận với kỹ thuật này, bởi nó được áp dụng khá nhiều trong cuộc sống. Nạn nhân dễ nhận biết nhất của kĩ thuật này là những người hay nói: “Giúp thì giúp cho chót”, “tiện thể làm luôn” hoặc “thôi cố thêm một chút”. 

Mẹ của bạn cũng thường sử dụng nó, bà ấy sẽ không bảo bạn phải nấu cả bữa cơm (ai mà chịu cơ chứ), bà ấy chỉ nhờ bạn cắm hộ nồi cơm thôi. Sau đó thì tiện thể nhặt rau, tiện tay thái thịt, nhân tiện nấu nước và rồi bạn tự làm hết luôn. Ôi trời! Cái này diễn ra hàng ngày luôn ấy! 

+ Trong kinh doanh, kỹ thuật này cũng được sử dụng rất nhiều. Một người bán hàng thông minh thường tiếp cận khách hàng với một đề nghị rất nhỏ.

- Nếu anh không bận có thể cho em xin vài phút được không.

Tiếp đó cuộc trò chuyện bắt đầu leo thang đến những yêu cầu lớn hơn như đánh giá, cho ý kiến, thử sản phẩm và cuối cùng là chấp nhận mua hàng.

+ Một biến thể của kĩ thuật này được sử dụng trong kinh doanh có tên: Giá nhỏ giọt.
Theo đó, người ta thường niêm yết giá sản phẩm mà không đi kèm các chi phí phát sinh, thuế hay tiền vận chuyển..... Người tiêu dùng do chỉ thấy giá rẻ mà quyết định mua hàng. Nhưng sau đó các khoản đi kèm từ từ xuất hiện. Cuối cùng khách hàng phải trả một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với giá ban đầu được thấy. Bạn có thể quan sát rất rõ kỹ thuật này trong ngành hàng không cụ thể là vé máy bay giá rẻ.

Xem trên Youtube: 

Phần 3: Ứng Dụng: 

+ Bản thân kỹ thuật này đã là cách ứng dụng rồi. Nếu muốn thuyết phục ai đó, hãy đưa ra một đề nghị nhỏ dễ thực hiện để đối phương đồng ý. Sau đó hãy tiếp tục gia tăng đòi hỏi để đạt được mục đích. 
+ Một số lưu ý: 
- "leo thang" một cách từ từ và có liên quan đến các đề nghị nhỏ trước đó với thái độ thân thiện vui vẻ.
- Sau khi đối phương chấp nhận lời đề nghị nhỏ, hãy gán sự đồng ý đó bằng 1 phẩm chất tốt. Điều này giúp họ nhất quán giữa niềm tin và hành vi, đồng thời khiến họ khó từ chối lời đề nghị thứ 2 hơn. Ví dụ khen họ tốt bụng vì đã chỉ đường sau đó mới nhờ họ đẩy hộ đồ. 
- Phải đợi họ đồng ý và thực hiện yêu cầu đầu tiên xong rồi mới đưa ra yêu cầu tiếp theo. Ví dụ: Bạn phải đợi đứa cùng bàn cho làm xong bài đầu tiên đã rồi mới nhờ tiếp. Chứ nó chưa kịp làm mà nhờ luôn là nó chạy đấy! 

 

+ Cách để chống lại kỹ thuật này: Rất khó để chống lại, chúng ta không biết đối phương có đưa ra lời đề nghị lớn hơn hay không để biết mà đồng ý hay từ chối. Ngoài ra, việc từ chối một lời đề nghị nhỏ cũng rất khó, không phải ai cũng làm được. Cách tốt hơn cả là bạn đồng ý với lời đề nghị nhỏ và tuyên bố chỉ giúp nhiêu đó thôi. Hoặc là từ chối luôn nếu được. 

 

Nghe trên Spotify:  


Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Các Nhà Khoa Học Đã Nghiên Cứu Thành Công Việc Sao Chép Ký Ức Ở Con Người

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt 

(Nội dung này không thể tóm tắt)


Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Theo nghiên cứu được công bố mới đây  trên Personality and Social Psychology Bulletin, các giáo sư tại trường đại học Chicago khẳng định rằng, "Chúng ta hoàn toàn có thể sao chép bộ nhớ từ người này qua người khác mà không làm tổn hại hay gặp bất kì trục trặc nào!".

Sau gần một thế kỉ thí nghiệm ở chuột bạch và các tình nguyện viên, tất cả các kết quả đều cho thấy việc sao chép kí ức là hoàn toàn có thể thực hiện. Hay nói cách khác, chúng ta có thể sống trong cơ thể của người khác miễn là họ đồng ý.
Các chuyên gia còn cố gắng tiến xa hơn trong việc sao chép kí ức vào một robot mô phỏng để từ đó có thể duy trì sự trường thọ.
___________________________

Bộ não của chúng ta không chỉ lười biếng mà còn có phần ngây thơ nữa. Mọi thông tin, kết luận hay niềm tin một khi đã len lỏi vào tâm trí sẽ được mặc định là đúng cho đến khi có những ý tưởng đối nghịch xuất hiện.
Trước một thông tin, mới lạ, ngoài tầm hiểu biết và không thể kiểm chứng, bộ não sẽ gọn nhẹ kết luận: 
Không tìm thấy bất kỳ thông tin trái chiều nào trong bộ nhớ, Vì vậy đây là một thông tin hoàn toàn chính xác. 

Hiểu đơn giản, bộ não sẽ chấp nhận một thông tin là đúng nếu nó không chứng minh được điều đó là sai. 

Chúng ta có thể nhận thấy điều này rõ ràng nhất ở trẻ em. Khi được dạy bất kì điều gì dù đúng hay sai, đứa trẻ vẫn sẽ mặc định điều đó là đúng. Lý do là vì, đứa trẻ không có đủ kiến thức để phản biện lại thông tin kia. 
Người lớn cũng không phải ngoại lệ. Khi chúng ta tiếp nhận một kiến thức hoàn toàn mới lạ, ta cũng mặc nhiên cho nó là đúng. 
Hãy thử nghĩ về những gì mình đã biết, bạn tin rằng nó đúng vì điều đó chính xác, hay bởi vì bạn không thể chứng minh nó sai? 
Ta tin rằng, mèo thì không cảm nhận được vị ngọt, bởi vì ta không biết mèo có cảm nhận thế nào. Chúng ta cũng tin vào vũ trụ với những dải ngân hà, không phải bởi vì nó là điều hiển nhiên, mà bởi vì ta không thể chứng minh điều đó là không đúng. 

Bộ não của chúng ta được lập trình như thế. Nó tin vào một thông tin là chính xác chỉ bởi vì nó không thể chứng minh được điều đó là sai. Tôi cũng thế và bạn cũng vậy, chúng ta đều là những người cả tin. 

Đây cũng chính là lý do vì sao, nạn nhân của các trò lừa đảo thường là sinh viên năm nhất và những người già. Đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp một thông tin hoàn toàn mới lạ với họ. Điều đó sẽ được nạn nhân mặc định là đúng, và tin rằng họ nắm trong tay cơ hội để đổi đời. 
Tham lam chỉ là thứ yếu. Chính việc thiếu kiến thức mới là nguyên nhân cốt lõi. Còn nếu bạn cảm thấy những trò lừa đảo quá dễ để nhận biết? Đó không phải là do bạn không sở hữu tính tham lam. Đó là do bạn được trang bị kiến thức để phủ nhận nó. 

Xem trên Youtube: 

Phần 3: Ứng Dụng: 

+ Hãy trang bị cho bản thân kiến thức để tránh việc tin vào những thông tin sai sự thật. 
+ Bạn cũng nên tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. 
+ Hoặc nếu chăm chỉ, hãy tìm kiếm thông tin đối nghịch với điều bạn đang tìm hiểu. 
+ Cùng với đó, hãy  tập nghi ngờ những gì bạn đọc và tìm hiểu. Tất nhiên, cả những gì mà mình đang chia sẻ nữa! Ai mà biết mình có phải là đứa dối trá hay không cơ chứ. 

Nghe trên Spotify: 


P/s: Có điều mình cần đính chính, "sao chép kí ức" chỉ là kết quả do một  phút cao hứng của mình thôi! Bịa ra cả đấy!

Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Bộ Não - Chiếc Cân Thăng Bằng Lạc Hậu.

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt 

Chúng ta không nhìn nhận vào giá trị thực của sự vật, sự việc hay tình huống để đánh giá. Thay vì thế, chúng ta so sánh nó với những thứ mình biết, những thứ xung quanh để đưa ra kết luận. Vì thế cảm nhận của bạn phụ thuộc vào thứ bạn chọn để đem ra so sánh. 



Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Phóng viên: Có lời đồn rằng anh chi tận 10 triệu cho mỗi bữa sáng! Anh có cho rằng điều đó là lãng phí? 
Doanh nhân: Đó không phải lời đồn. Nó là sự thật. 
Phóng viên: Đó là một số tiền rất lớn!
Doanh nhân: Theo cô, một công nhân thu nhập 10 triệu, ăn sáng 25k có phải lãng phí hay không? 
Phóng viên: Tất nhiên là không! Anh ta xứng đáng với điều đó. 
Doanh nhân: Anh ta chi 1/400 thu nhập cho bữa sáng. Còn tôi, tôi chỉ bỏ ra 1/1000 thu nhập. Có vẻ như tôi vẫn rất tiết kiệm?
_________________

Bộ não của chúng ta không phải là một cỗ máy đáng tin. Nó không phải là một chiếc cân điện tử thông minh, đưa ra những con số chính xác. Thay vì thế, bộ não thường sử dụng một chiếc cân thăng bằng. Một bên cân là thứ bạn muốn ước lượng, bên còn lại là một thứ tương tự bạn biết. 

Giả dụ, bạn được 5 điểm trong giờ kiểm tra. Điểm số đó là cao hay thấp? 
Nó sẽ là điểm số cao, nếu cán cân bên kia là những đứa cùng lớp với toàn điểm 1 và 2. 
Nhưng đó sẽ là đáy xã hội nếu cán cân còn lại là những đứa đạt điểm 9, 10.

Rõ ràng, cách thức này không hề chính xác. Nhưng đó lại là cách mà bộ não của chúng ta hoạt động. 
Chúng ta không nhìn nhận vào giá trị thực của sự vật, sự việc hay tình huống để đánh giá. Thay vì thế, chúng ta so sánh nó với những thứ mình biết, những thứ xung quanh để đưa ra kết luận. Chính điều này tạo ra sự tương đối. 

+ Bạn cao hơn nếu đứng cạnh một đứa bạn với chiều cao khiêm tốn. 
+ Bạn thấy bản thân may mắn nếu so sánh mình với những hoàn cảnh bất hạnh. 
+ Bạn không cảm thấy giàu có vì thu nhập cao ngất ngưởng, mà bạn giàu có vì lão hàng xóm có thu nhập thấp hơn.

Chúng ta không đánh giá sự vật sự việc bằng giá trị thật của nó. Chúng ta đánh giá mọi thứ thông qua việc so sánh. Cái chính là bạn chọn gì để đem ra so sánh! 

Xem trên Youtube: 


Phần 3: Ứng Dụng: 

+ Mỗi người có những thứ riêng biệt để đem ra so sánh. Vì thế hãy tôn trọng cảm nhận của họ. Và đừng bao giờ dùng cảm nhận của bản thân để đánh giá người khác. 

+ Nếu muốn an ủi ai đó. Hãy so sánh sự việc đó với những điều tệ hơn. Họ sẽ sớm nguôi ngoai vì thấy mình vẫn còn một chút may mắn. 

+ Bạn xinh đẹp và nổi bật hơn khi đi cùng những người bạn có nhan sắc hạn chế. 

+ Nếu bạn có một danh sách những việc cần làm, hãy bắt đầu bằng việc khó khăn nhất. Những việc phía sau sẽ trở nên dễ dàng hơn. (Nuốt con ếch) 

+ Bạn không tìm thấy động lực nếu so sánh bản thân với người khác. Bạn tìm thấy nó khi so sánh bản thân của ngày hôm qua và ngày hôm nay. 

+ ……

Nghe trên Spotify: 


Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Bạn Có Phải Là Nạn Nhân Của Hiệu Ứng Barnum?

 

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt 

Hiệu ứng Barnum đề cập đến bản chất cả tin của con người. Nơi những phát biểu mơ hồ,chung chung có thể áp dụng cho bất kỳ ai lại được mọi người diễn giải như thể nó là những đặc điểm riêng biệt đúng với bản thân mình.

+ Hiệu ứng này xảy ra do sự chung chung, mơ hồ và có thể giải thích theo nhiều cách, vì thế nó đúng với bất kỳ ai. 
+ Hiệu ứng này thường đưa ra những đánh giá tích cực, trong khi con người có xu hướng tin vào những tuyên bố tích cực, vì thế nó càng trở nên chính xác. (Thành kiến tích cực).
+ Chúng ta thường tìm kiếm những thông tin củng cố niềm tin của bản thân và lờ đi những bằng chứng trái chiều. Chính vì thế, khi cho rằng những nhận định mà người sử dụng hiệu ứng Barnum đề cập, chúng ta bắt đầu tìm kiếm thông tin, bằng chứng để ủng hộ niềm tin đó. Cuối cùng, nhờ những bằng chứng tìm được, ta cho rằng nhận định kia là đặc điểm riêng biệt đúng với cá nhân. (Thiên kiến xác nhận).
Hiệu ứng này được sử dụng nhiều trong tử vi, kinh doanh khiến đối tượng tin rằng những nhận định đưa ra là đặc điểm riêng biệt của bản thân, từ đó tin tưởng vào người sử dụng hiệu ứng. 


Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Nghiên cứu của Forer: 

Năm 1948, giáo sư tâm lý học Forer đã tiến hành một nghiên cứu thú vị. 
Trong nghiên cứu của mình, ông đã làm khảo sát tính cách cho 39 sinh viên. Và kết quả sẽ chỉ ra cụ thể những đặc điểm tính cách riêng biệt theo từng người. Nhiệm vụ của các sinh viên là chấm điểm về mức độ chính xác của kết quả. Điểm 0 tương ứng với “không đúng tí nào”, điểm 5 tương ứng với “hoàn toàn chính xác”. 

Điểm số trung bình mà các sinh viên đưa ra là: 4.26. Kết quả này cho thấy, các sinh viên đều cho rằng khảo sát mà họ nhận được chính xác một cách ấn tượng với bản thân. 

Nhưng điều bất ngờ là giáo sư Forer đã không hề làm khảo sát tính cách cho sinh viên của mình. Ông chỉ tạo ra một bản mô tả tính cách cho tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa là, 39 sinh viên đã nhận những bản mô tả hoàn toàn giống nhau. 
+ Mô tả của giáo sư đưa ra những nhận định chung chung như: 
+ Bạn là người có tư duy độc lập. 
+ Bạn có một số điểm yếu nhưng luôn cố gắng thay đổi để tốt hơn. 
+ Đôi lúc bạn ồn ào và hướng ngoại, nhưng cũng có lúc bạn trở nên rụt rè và im lặng.
+ Bạn rất cần được mọi người yêu thích và ngưỡng mộ.
+ Đôi khi bạn khắt khe với bản thân và có xu hướng chỉ trích chính mình. 
+ ….
Khi bạn nhìn nhận những đánh giá này một cách lý trí, bạn sẽ thấy nó đúng với mọi người. Hay nói cách khác, những mô tả tính cách này không có một chút giá trị nào cả. 
Nó giống như việc bạn nói rằng, con mèo thì có 4 chân và thích ngủ vậy. Hoàn toàn vô nghĩa. 

Hiệu ứng Barnum hay hiệu ứng Forer là gì?

Thuật ngữ này đặt theo tên nghệ sĩ xiếc Phineas Taylor Barnum - người được biết với khả năng thao túng tâm lý bậc thầy. 
Hiệu ứng Barnum đề cập đến bản chất cả tin của con người. Nơi những phát biểu mơ hồ,chung chung có thể áp dụng cho bất kỳ ai lại được mọi người diễn giải như thể nó là những đặc điểm riêng biệt đúng với bản thân mình.

Xem trên Youtube: 

Tại sao hiệu ứng Barnum xảy ra?

1:  Chung chung và mơ hồ. 

Bởi hiệu ứng Barnum thường sử dụng những thông tin chung chung và có thể giải thích theo nhiều cách, vì thế nó đúng với bất kỳ ai. 

2: Nguyên tắc Pollyanna (thành kiến tích cực): 

Xảy ra khi một cá nhân cho rằng, tuyên bố có độ chính xác cao hơn, khi chúng nói về những điều tích cực. Trong tiềm thức, chúng ta có xu hướng hào hứng đón nhận những lời khen ngợi. Và ngược lại, những nhận xét tiêu cực nhanh chóng bị bác bỏ. 
Bởi vì hiệu ứng Barnum thường đưa ra những đánh giá tích cực, chính vì thế nó thường được cho là đúng.

3: Thiên kiến xác nhận: 

Việc chúng ta ưu tiên tìm kiếm những thông tin ủng hộ quan điểm, niềm tin của bản thân. Đồng thời cố tình né tránh hoặc diễn giải sai những quan điểm trái chiều. 
Sau khi tiếp nhận những đánh giá tích cực, thiên kiến xác nhận bắt đầu vào cuộc. Chúng ta sẽ cố gắng tìm kiếm những bằng chứng ủng hộ nhận xét tích cực kia để chứng minh điều đó là đúng với bản thân. Bằng cách này, những nhận xét tích cực dù vô căn cứ, vẫn được bộ não tìm kiếm thông tin để khiến nó trở nên chính xác.

Hiệu ứng Barnum trong thực tế: 

1: Tử vi. 

Tuy mỗi cá nhân được mô tả một cách cụ thể và khác nhau, nhưng dường như những mô tả này lại chung chung và không thực sự cụ thể. Người xem tử vi có thể diễn giải nó theo nhiều cách khác nhau để phù hợp với chính bản thân mà không hề ảnh hưởng đến những gì tử vi mô tả. 

Trong một nghiên cứu về cung hoàng đạo, những người thực hiện đã tráo đổi nội dung của các cung hoàng đạo cho nhau. Ví dụ như đưa mô tả của cung Bạch Dương cho những người thuộc cung Cự Giải. Điều kỳ lạ là các đối tượng tham gia thực nghiệm lại cho rằng những mô tả bản thân nhận được lại hoàn toàn chính xác. 
Hay nói cách khác, những mô tả các cung hoàng đạo không quan trọng, cái quan trọng nằm ở việc mô tả đó có nằm trong khoảng ngày sinh của họ hay không. 

Mặc dù vậy, cung hoàng đạo vẫn là một chủ đề đang được tranh cãi, bởi tính phức tạp và biến thiên của nó. Nhưng điều chắc chắn là hầu hết những mô tả cung hoàng đạo đang trôi nổi trên internet đều không chính thống và thiếu chính xác. 

2. Kinh doanh. 

Các doanh nghiệp sử dụng Hiệu ứng Barnum để khiến khách hàng tin rằng, sản phẩm là cá nhân hóa, được tạo ra để dành riêng cho khách hàng. Trong khi thực tế nó lại đúng với hầu hết đối tượng của doanh nghiệp. Điều này khuyến khích sự chung thành với thương hiệu và tăng doanh số. 

3: Lừa đảo: 

Một số đối tượng sử dụng hiệu ứng này như một công cụ đắc lực biến bản thân trở thành 1 chuyên gia để chiếm lấy lòng tin của người bị hại. 
Họ sử dụng những đánh giá mơ hồ và có thể hiểu theo nhiều cách. Đối tượng bị hại sẽ tự suy diễn những đánh giá này theo hoàn cảnh và tình huống của bản thân. Vì thế những đánh giá này trở nên chính xác và riêng biệt với họ. 
Tiêu biểu của hình thức này là: Thầy bói và những chuyên gia kinh tế…. 
 
Nghe trên Spotify: 

Phần 3: Ứng Dụng: 

Hiệu ứng này rất khó để ứng dụng. 
Điều cốt lõi của hiệu ứng là cung cấp cho người đọc tư duy, cách nhìn nhận những tình huống thực tế mà hiệu ứng Barnum xuất hiện.
Tuy vậy, bạn có thể sử dụng hiệu ứng này để đưa ra những nhận định khiến đối phương tin rằng bạn là người có chuyên môn, sau đó sử dụng lòng tin của họ để khuyến khích những hành vi, sự việc tốt đẹp. (nhưng cần sử dụng thêm nhiều thủ thuật để có hiệu quả). 

Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Trả Lời Câu Hỏi Sau Để Biết Bạn Có Phải Người Tích Cực!

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt

Bộ não của chúng ta được lập trình để chú trọng hơn vào những vấn đề tiêu cực. Cơ chế này đảm bảo sự sinh tồn. Nhưng không may, điều này không có lợi về mặt cảm xúc. Chính vì quá chú tâm vào những sự việc tiêu cực, chúng ta trở nên căng thẳng và stress nhiều hơn. 
Vì thế, khi một sự việc tiêu cực xảy ra, hãy nhắc nhở bản thân rằng, bộ não chỉ đang làm quá lên thôi! Chúng ta còn có rất nhiều điều tích cực mà bộ não không để ý đến! 



Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Giả sử bạn có 86400$ và lỡ bị trộm mất dăm bảy đô gì đó. Bạn sẽ phản ứng thế nào? 

Hề hề cho qua, "tui giàu thế này cơ mà, suy nghĩ gì cho mệt!". 
Hay là, "Có phải tiêu tốn hết số tiền còn lại, mình cũng sẽ tìm ra bằng được những đồng tiền bị mất"?
Bạn sẽ chọn cách nào? 

Câu trả lời khá là dễ dàng. Sao phải vì dăm ba đồng bạc lẻ mà làm rối tung lên cơ chứ? Hầu hết mọi người đều chọn cách thứ nhất cả. Cơ mà, đây là một suy luận vô cùng lý trí và.....sách vở nữa. Thực tế câu trả lời thường là:

- Tôi bị mất tận 7$ rồi, không thể nào dung thứ cho tên trộm này được. Có tiêu hết số tiền thì cũng phải tìm ra hắn.

Xem trên Youtube: 


---------------------------
Bạn cứ thử nghĩ mà xem! Mỗi chúng ta đều có 86400 giây mỗi ngày. Nhưng chỉ cần 1 sự việc bé xí xi thôi, như là bị một lời chê, mẹ mắng, bị nói xấu.....vân vân và mây mây. Ta lại sẵn sàng hi sinh cả ngày còn lại để mà bồi đắp thêm cái sự việc tiêu cực kia. Điều này có khác nào nướng hơn 80 nghìn đô để mà tìm ra vài đô lẻ bị mất.

Mình so sánh thế này không có được chính xác đâu. Một sự việc tiêu cực thì không như là vài đô bị mất. Nhưng hãy hiểu là. Bộ não của chúng ta được lập trình để tập trung hơn vào những yếu tố tiêu cực, thay vì tích cực. Cơ chế này không hề xấu, nó giúp chúng ta tránh xa những nguy hiểm, cẩn trọng hơn với những hậu quả tiêu cực trong tương lai. 
Nhưng không may, cơ chế này của não bộ không hề tốt về mặt cảm xúc, nó biến chúng ta trở thành những người tiêu cực bẩm sinh. 

Vì thế, khi một sự việc không mong muốn xảy ra hãy nhắc nhở bản thân rằng, bộ não chỉ đang thổi phồng mọi thứ lên thôi!  Mọi thứ không tệ như những gì ta đang thấy. 
Và rằng, còn có rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ đợi chúng ta. Mất một vài đô lẻ sao có thể khiến ta buồn như thế cơ chứ! 

Nghe trên Spotify: 

Phần 3: Ứng Dụng.

(rỗng) 

 Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Ba Khác Biệt Tâm Lý Giữa Con Trai Và Con Gái Mà Không Ai Nói Với Bạn!

 


Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt

Con gái: 

1: Con gái luôn muốn chia sẻ cảm xúc. Con gái coi việc chia sẻ cảm xúc và vấn đề của bản thân, là cách tìm kiếm sự thỏa mãn và nạp lại năng lượng. 
2: Con gái muốn được công nhận cảm xúc. Đừng bao giờ nói rằng con gái vô lý khi cảm thấy thế này hay thế kia. Con gái nhạy cảm hơn con trai gấp 2 lần nên mới thế. 
3:  Con gái coi việc chia sẻ vấn đề là một cách để hiểu nhau hơn. Đồng thời  con gái cho rằng chia sẻ các vấn đề với người khác là cách thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau.

Con trai: 

1: Con trai tránh việc chia sẻ vấn đề của bản thân cho người khác, đặc biệt với bạn gái. Họ coi đó là hành vi yếu đuối.
2: Con trai luôn tìm kiếm giải pháp. Đó là lý do con trai và con gái khó nói chuyện. Con trai cố tìm ra giải pháp, trong khi con gái muốn đối phương thấu hiểu cảm xúc của mình.
3:  Con trai hiểu sai lời khuyên của con gái. Khi con gái đưa ra lời khuyên cho con trai thì họ lại nghĩ rằng: Bản thân đang hỏng chỗ nào đó và cần được sửa chữa.

Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ.

Con gái: 

Điều đầu tiên: Con gái luôn muốn chia sẻ cảm xúc. 

Con gái coi việc chia sẻ cảm xúc và vấn đề của bản thân, là cách tìm kiếm sự thỏa mãn và nạp lại năng lượng. 
Vì thế khi con gái gặp vấn đề, họ rất muốn được nói chuyện để được san sẻ và đồng cảm. Đó cũng là lý do con gái thường nói nhiều hơn.
Lời khuyên cho mấy ông con trai đó là: Hãy chịu khó lắng nghe khi con gái than vãn gì đó. Các bạn nữ rất cần người để chia sẻ. Các ông nên đặt các câu hỏi quanh vấn đề của họ, như thế sẽ thì cực kì tuyệt. Nhưng nếu cảm thấy khó quá, thì chỉ cần nghe thôi. Vậy là hơn ối người rồi. 

Điều thứ 2: Con gái muốn được công nhận cảm xúc. 

Đừng bao giờ nói rằng con gái vô lý khi cảm thấy thế này hay thế kia. 
Về cơ bản thì con gái nhạy cảm hơn con trai gấp 2 lần. Nhắc lại là nhạy cảm gấp 2 lần nha! 
Chính vì thế họ có thể vui cả ngày vì vài ba chuyện con con, kiểu như kéo sẵn ghế, đội hộ mũ bảo hiểm hay một tin nhắn chúc ngủ ngon. 
Nhưng ngược lại, họ có thể giận sôi máu chỉ vì bạn liếc mắt với một ẻm nào đó, hoặc thả tim lung tung, hay quên mất bé mèo của cô nàng không thích ăn cá. 
Nói chung, con trai sẽ khó mà hiểu nổi cảm xúc của con gái. Các ông chỉ cần công nhận cảm xúc của họ là được. 

Điều thứ 3: Con gái coi việc chia sẻ vấn đề là một cách để hiểu nhau hơn. 

Trái với con trai, con gái cho rằng chia sẻ các vấn đề với người khác là cách thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau. Họ không coi đó là yếu đuối, ngược lại, nó là dấu hiệu của việc gắn kết. 
Với con gái, vấn đề khi được nói ra sẽ trở nên thoải mái hơn. Khi đó họ mới dễ dàng tìm ra giải pháp. 

Xem trên Youtube: 

Con trai: 

Điều đầu tiên:  Con trai tránh việc chia sẻ vấn đề của bản thân cho người khác, đặc biệt với bạn gái. 

Vì họ cho rằng đó là hành vi thể hiện sự yếu đuối. 
Thông thường, khi gặp vấn đề, con trai sẽ im lặng và cố gắng giải quyết một mình. 
Vì thế, nếu các bạn gái thấy một thằng con trai tự dưng lầm lì, ít nói thì kệ cha nó. Đừng cố gắng hỏi han hay san sẻ gì cả. Điều đó thực sự tốt với tụi con trai. Họ cần thời gian để tìm ra cách giải quyết. Khi tìm được giải pháp bọn con trai sẽ vui vẻ trở lại. 
Lưu ý cho mấy ông con trai, hãy đưa ra dấu hiệu, rằng bạn cần thời gian một mình nhưng sẽ sớm quay trở lại để cho các bạn nữ yên tâm. 

Điều thứ 2: Con trai luôn tìm kiếm giải pháp. 

Nhìn chung thì con trai thiên về lý trí hơn là cảm xúc, khi gặp vấn đề thì họ tìm cách giải quyết thay vì tìm kiếm sự đồng cảm. 
Vì thế mà con gái sẽ thấy con trai rất là khô khan. 
Đây là điều khiến con trai và con gái khó nói chuyện với nhau. Một đằng thì cố gắng miêu tả cảm xúc để tìm được sự an ủi và đồng cảm, một đằng lại bỏ qua cảm xúc để khăng khăng tìm ra giải pháp. 
Ví dụ: Nếu một đứa con trai nói rằng họ mệt. Thì cái họ cần chỉ là được nghỉ ngơi và thư giãn, chứ không phải mấy lời hỏi han, hay quan tâm.

Điều thứ 3: Con trai hiểu sai lời khuyên của con gái. 

Khi con gái đưa ra lời khuyên cho con trai thì họ lại nghĩ rằng: Bản thân đang hỏng chỗ nào đó và cần được sửa chữa. 
Điều này đồng nghĩa với việc cô gái không tin tưởng mình, và đang cố gắng chỉnh sửa mình. Trong khi với các bạn nữ, việc đưa ra lời khuyên chỉ đơn giản là cách họ gợi ý rằng, họ luôn đồng hành với bạn trong mọi vấn đề. 

Nghe trên Spotify: 


_ Chúc Quý Khách Ngon Miệng! _

Thiên Kiến Xác Nhận - Thế giới quan của bạn màu gì

 “Bạn chỉ thấy những thứ bạn muốn thấy, nghe những lời bạn muốn nghe, đọc những thứ bạn muốn đọc. Những thứ cũ rích - thứ làm các bạn hài lòng. Các bạn đừng có tự lừa gạt bản thân rằng mình  yêu thích sự mới mẻ, thật ra bạn chỉ thích những thứ thỏa mãn cái tôi của bạn thôi, thứ khiến bạn "luôn đúng".”

Thiên kiến xác nhận


Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt

Thiên kiến xác nhận: Chúng ta luôn tìm kiếm những thông tin, bằng chứng xác nhận niềm tin, quan điểm của bản thân. Đồng thời cố tình né tránh hoặc chối bỏ những thông tin trái chiều. Theo thời gian, việc này tạo nên một vỏ bọc kiên cố cho những gì mà bản thân tin tưởng. Và chúng ta gọi nó là “cái tôi”.

Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Đây là bức tâm thư của một con-cua gửi tới loài-người:
______________

Thư Gửi Loài-Người.

Tôi đây, một con-cua, kẻ muốn gửi tới loài-người các bạn một thông điệp: - Bọn tôi KHÔNG HỀ NGANG!!!! Chính loài-người các bạn mới NGANG.

Này nhá! Giống loài của tôi luôn tự hào rằng: - Ê mày ơi! Tao cứng, Cứng như một cái khiên vậy. Nhìn cái mai này đi và đôi càng mơ ước nữa chứ. Thế là cái lũ yếu đối đem bộ xương cứng cáp giấu nhẹm vào bên trong lớp da thịt bèo nhèo, hèn nhát sẽ phải "gato" lắm luôn. Bọn tôi oai phong là thế, tự hào là vậy. Ấy vậy mà loài-người các bạn lại chẳng thèm biết đến điều này. Mấy người chỉ thích thọc gậy bánh xe thôi. Cái gì mà "Ngang như cua" cơ chứ? Đừng có mà tự luyến nữa! Các bạn ấy! ……….. Chẳng "dọc" lắm đâu!

_______________

Từ hồi bé xíu xiu những đứa trẻ đã được học về câu chuyện năm gã bói mù xem voi. Nó không phải để dè bỉu và chê bai mấy người có cái nhìn hạn hẹp. Câu chuyện đó nói lên rằng: Mỗi góc nhìn lại cho ra một kết quả. Và chẳng có gã mù nào đúng hay sai ở đây. Chỉ là thế giới quan của từng người là khác nhau. Cách nhìn nhận từ đó cũng khác nhau. Tôn trọng chứ không nên phán xét! Một câu chuyện hết sức ý nghĩa. Nhưng…….. chẳng ai thèm ghi nhớ điều này cả. Chuyện kể thì nghe cho vui chứ nó cứ như nước đổ đầu vịt vậy. Các bạn, những người lớn tồ tồ ra rồi vẫn cứ cãi qua cãi lại với nhau rằng: - Ồ không. Mày sai rồi. Ca sĩ này mới là đẹp trai nhất. - Phở thì chỉ có phở Nam Định mới là phở chuẩn chỉ. Dăm ba cái loại khác chỉ là hàng nhái. Rồi thì - Muốn thành công thì phải thế này, thế kia chứ. Như này, như nọ thì sai tè le ra rồi. ...........
Bạn có thấy nó giống với tụi con nít cãi nhau xem siêu nhân nào mạnh hơn hay không. Thật là vô nghĩa.

Đừng có mà tranh cãi làm gì mấy cái thứ nhảm nhí ấy. Các bạn có biết là: Chẳng có cái khỉ mốc gì là đúng và sai hết. Mỗi góc nhìn mỗi trải nghiệm lại cho ra những kết quả khác nhau. Cãi cọ về các quan điểm cá nhân là việc vô bổ nhất mà loài-người các bạn thường làm. Càng "tranh luận" thì lại càng tìm ra được bằng chứng bao biện cho cái tôi cá nhân (luôn đúng) bên trong. Và rồi, lẽ dĩ nhiên, các bạn thường kết thúc mớ bòng bong này bằng việc gào vào mặt nhau: - Mày sai rồi! Tao đúng. Đừng bao giờ tốn nước bọt cho việc này làm gì hết. Hãy cứ tin tôi đi!

__________________________

Cua bọn tôi có một câu chuyện răn dạy điều này, Nó như sau: Có một vị bác học nọ nuôi hai con chuột. Mỗi lần chúng nhấn vào cái nút trong lồng thì ông sẽ mang thức ăn đến cho nó. Sau thời gian, ông nhận ra rằng: - Mình thật là hoành tráng khi huấn luyện thành công hai con chuột này. Chúng đã biết nhấn nút khi đói. Nhưng vị bác học đó lại chẳng biết điều mà hai con chuột này thủ thỉ với nhau: - Ề, mình huấn luyện được lão già lẩm cẩm kia rồi! Mỗi lần chúng ta nhấn cái nút xiu xíu này lão sẽ đem đồ ăn đến mà cung phụng cho chúng ta. Thế là hai con chuột lại ưỡn ngực mà nhấn cái nút.

Cua tụi tôi thấm nhuần bài học này. Thế nên bọn tôi sẽ chả bao giờ sùi bọt lên để mà nói về quan điểm của con cua này lạ hay con cua kia dở hơi. Tôn trọng và tôn trọng.

_________________
Bộ não loài người vốn chẳng khách quan tí tẹo nào. Huỵch toẹt ra, thì là bảo thủ. Cơ mà tôi biết bạn sẽ chẳng thèm tin đâu. Bạn có niềm tin của mình mà. Nó còn cứng hơn cả lớp giáp của tụi tôi ấy chứ. Thế nên tôi sẽ chỉ nhắc nhở nhè nhẹ thế này thôi. Có một thứ mà không khéo là bạn cũng chẳng biết - một kiến thức tâm lý được chính con người phát hiện và thừa nhận: Thiên Kiến Xác Nhận. Theo đó:

Con người có khuynh hướng ưa chuộng những thông tin xác nhận niềm tin quan điểm của bản thân. Đồng thời cố tình né tránh hoặc chối bỏ các thông tin trái chiều.

Điều này biểu hiện qua việc thu thập, ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc, hay diễn giải thông tin một cách thiên vị. Lẽ dĩ nhiên các bạn cũng không quên việc từ chối xem xét các góc nhìn khác. Sao nào? Kiến thức khoa học của các bạn đó! Đã thấy mình "ngang" hơn tí nào chưa?

_____________________ Nếu bạn đang tính mua một cái áo nào đó. Có phải là bạn sẽ thấy nó xuất hiện một cách thường xuyên đến bất ngờ hay không? Không có phải vậy đâu, là chính bộ não của các bạn đang tự lừa dối các bạn đấy! Nó vẫn nhìn thấy những cái áo khác, nhưng nó lại cứ chăm chăm vào cái áo bạn định mua. Và thế là……... nó sẽ săm soi, vạch lá tìm sâu để tòi cho ra bằng được cái áo mà bạn đang muốn. - Ui chỗ kia có người mặc cái áo mình tính mua kìa. Đẹp ghê! (Thế mấy người xung quanh ở trần hết hay sao mà thấy mỗi cái áo đó?) Hay như: Bạn tìm mãi mà không thấy một cái gì đó. Tìm cật lực ấy? Xong rồi, mẹ bạn sẽ la lên rằng: - Mắt mũi để đâu mà không thấy hả? Ngay trước mắt đây này! Và rồi……..đúng là ngay trước mắt thật. Chuyện bình thường phố huyện phải không. Ngay từ đầu thì bộ não đã a dua theo cái ý nghĩ là "không tìm được". Thế nên nó sẽ bảo với mắt của bạn là cứ lờ vật đấy đi dù có nhìn thấy mười mươi đi chăng nữa.

_____________________

Cua bọn tôi chả bao giờ thế cả. Bộ não vẫn luôn điều hướng suy nghĩ và cách nhìn nhận của các bạn. Nếu mà bạn đang hơi bị hào hứng một tí để mà dành ra hẳn một ngày cho việc chơi game. Não bạn sẽ hưởng ứng ngay. Nó sẽ bảo là: - Ui, chơi game là để giải trí và rèn luyện phản xạ, có phải lúc nào cũng cắm đầu vào mà học với chả hành đâu cơ chứ. Mai đầy thời gian. Bạn bè thì đợi mòn mông để chờ mình thế mà lại đi bỏ rơi tụi nó sao cho được........vân vân và mây mây. Thấy không. Não loài-người các bạn đúng là lươn lẹo. Lý do lý chấu thì có thiếu gì để mà bao biện. Chỉ cần bạn muốn nó sẽ cho bạn cả tỉ tỉ lý do. Nó có thèm nhắc đến việc chơi game cả ngày thì ngu người đi chứ có gì mà giải trí. Học hành là việc hàng ngày chứ đâu phải hắt hủi cho hôm sau. Bạn bè cũng đâu cần đến mấy chục tiếng đồng hồ cơ chứ..... Thiên kiến xác nhận vẫn cứ cố tình bỏ qua hoặc là suy diễn lung tung để vừa lòng bạn đấy thôi!

________________ Loài người cứ cho rằng bản thân luôn đúng thế nên các bạn đã luôn đúng còn gì! Nếu một đứa trẻ bị tiêm nhiễm rằng nó là đứa ngu ngốc và vô dụng. Nó sẽ luôn quẩn quanh những sai lầm của mình, nhắc đi nhắc lại, dằn vặt từng ngày, diễn giải mọi thứ như thể nó thực sự là một đứa ngốc nghếch vậy. Nó đâu có nhớ đến những lần nó đã thật thông minh, hoặc là có thì nó sẽ đổ thừa cho vận may nào đấy. Quên béng luôn mình đã từng xịn sò thế nào. Rồi thì, còn mong muốn gì nữa khi đứa trẻ đó lớn lên thành ra một người……..vô dụng? Chẳng phải nó và mọi người đều tin nó vô dụng còn gì. Các bạn, loài-người các bạn luôn nhìn ra thế giới bằng một lăng kính màu sắc mang tên: Thiên kiến xác nhận. Bạn chỉ thấy những thứ bạn muốn thấy, nghe những lời bạn muốn nghe, đọc những thứ bạn muốn đọc. Những thứ cũ rích - thứ làm các bạn hài lòng. Các bạn đừng có tự lừa gạt bản thân rằng mình yêu thích sự mới mẻ, thật ra bạn chỉ thích những thứ thỏa mãn cái tôi của bạn thôi, thứ khiến bạn "luôn đúng". Rồi ngày qua ngày, giờ qua giờ, mỗi người lại tự xây cho mình một vỏ bọc kiên cố về những gì bản thân tin tưởng. Các bạn gọi đó là cái tôi. Một cái tôi không lung lay trước mọi sóng gió. Túm lại, tôi chỉ muốn nói là:

Hãy tem tém việc đề cao quan điểm của bản thân lại. Mở lòng để tiếp nhận những quan điểm mới dù có khác lạ và khó chịu đôi chút. Nó sẽ giúp bạn trở thành người thông thái. Biết nhìn nhận mọi thứ dưới nhiều góc độ, biết đặt mình vào vị trí của người khác để trở nên đồng cảm.

Và tất nhiên, đừng có mà gọi tụi tôi là "Ngang như cua" nữa. Loài cua tụi tôi gọi đó là: Đi thẳng. Đi thẳng. Và ……...Đi thẳng. Cái gì quan trọng thì nên nhắc lại 3 lần!

Phần 3: Ứng Dụng.

Có vô số ứng dụng với thiên kiến xác nhận, nhưng đó chỉ là thứ yếu thôi. Bởi đây là một kiến thức vô cùng quan trọng. Khi bạn ngẫm nghĩ về nó, bạn sẽ thấy nó xuất hiện nhiều đến đáng sợ (thực ra là luôn luôn).

Nhưng cũng k thể nào để bạn tay trắng ra về mà không có gì áp dụng cả. Tráng miệng tạm với hai ứng dụng này nha! 

1: Đừng bao giờ tranh cãi về sở thích và quan điểm cá nhân. Đó là những thứ không hề tồn tại đúng sai. 
2: Luôn nhớ rằng, bạn có một lăng kính khác với mọi người. Bạn đúng và họ cũng chẳng hề sai, chỉ là góc nhìn của hai người khác nhau thôi! 
3: Xem sét một vấn đề dưới nhiều góc nhìn, nó giúp bạn sáng suốt hơn. 
4: Đừng phủ nhận cảm xúc của người khác, có thể bạn đã phải trải qua những điều tệ hơn thế, nhưng điều đó không có nghĩa là họ cũng phải mạnh mẽ như bạn. 
___________________
P/s: Hãy cẩn thận với những gì bạn vừa đọc! Đó là thế giới quan của mình và điều đó có nghĩa là: Nó có thể sai hoàn toàn.

Còn giờ thì.....
                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!